Màu của răng tự nhiên phụ thuộc vào thành phần, cấu trúc và chiều dày của các mô tạo nên nó. Tất cả các nguyên nhân cơ học, hóa học hay sinh học làm tổn thương một trong những thành phần này đều có khả năng làm đổi màu răng. Nhiễm màu là sự nhiễm các sắc tố ngoại sinh hay nội sinh vào trong tổ chức cứng của răng. Nhiễm màu có thể xảy ra trong lúc đang hình thành mầm răng hoặc sau khi mọc.
Các nguyên nhân gây nhiễm màu răng
Nhiễm màu trong thời kỳ hình thành và phát triển răng: Các nhiễm màu trong quá trình phát triển bao gồm 3 loại chủ yếu
Nhiễm màu bilirubin có thể gặp trong các trường hợp: bệnh bilirubin máu cao bẩm sinh (đây là bệnh hiếm gặp, thường kèm theo tan máu. Trẻ có hiện tượng vàng da bẩm sinh, các sắc tố mật lắng đọng trong ngà và làm cho răng sữa có màu xanh hoặc hơi xanh), tan máu do yếu tố Rh...
Nhiễm màu porphyrin: là bệnh di truyền NST do rối loạn chuyển hóa porphyrin bẩm sinh (bệnh porphyria). Răng có màu nâu đỏ, phát huỳnh quang đỏ dưới ánh sáng cực tím do sự xâm nhập các sắc tố đỏ porphyrin lưu truyền trong máu vào men và ngà (chất này còn được thải qua nước tiểu và lắng đọng ở các tổ chức cứng trong cơ thể như xương).
Nhiễm tetracyclin: Nếu phụ nữ mang thai hoặc trẻ em uống tetracyclin trong thời kỳ đang hình thành xương và răng, tetracyclin sẽ tạo các phức hợp với canxi tạo thành các tinh thể màu tetracyclin lắng đọng trong các tổ chức cứng như xương, răng không thể loại ra được, các tinh thể này thường lắng đọng ở ngà răng nhiều hơn men răng. Các phân tử tetracyclin có thể cố định trong xương và giải phóng dần dần ra ngà theo đường máu, do vậy mà sau khi điều trị tẩy trắng thành công vẫn có khả năng tái phát. Tổn thương là các đường vằn vàng, tương ứng với các đường phát triển trong mô ngà tạo nên các dải huỳnh quang màu vàng dưới ánh sáng cực tím. Răng khi mọc thường có màu vàng, trở nên tối màu và nâu hơn khi tiếp xúc với ánh sáng. Nếu dùng thuốc trong một thời gian dài, toàn bộ thân răng có thể bị đổi màu. Màu của răng có thể vàng, nâu, xám sậm hoặc xanh lơ, đỏ tía tùy theo liều lượng thuốc, thời gian sử dụng, giai đoạn hình thành mầm răng. Theo mức độ nặng nhẹ có thể chia ra 4 mức độ: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Mức độ nặng, răng có màu xám tối hoặc màu đỏ tía, màu xanh.
Răng bị nhiễm màu và sau khi tẩy trắng
Nhiễm màu sau khi mọc răng, nguyên nhân thường do:
- Chấn thương gây chảy máu tủy, sắc tố ngấm vào ngà: nếu chảy máu tại chỗ, máu thấm vào trong ống ngà rồi chuyển hóa thành hémoglobin, giải phóng ra các Fe++. Khi ôxy hóa các ion này có thể tạo các sắt oxid. Trong một số trường hợp, sắt oxid kết hợp với các sulfur tạo thành sulfur sắt có màu xám sẫm. Hơn nữa khi có chấn thương, làm đứt các mạch máu, tủy có phản ứng tạo ngà thứ phát làm tắc buồng tủy, răng có màu bão hòa hơn, đục hơn, xám da cam, thậm chí nâu sẫm. Răng không đáp ứng với các thử nghiệm tủy, nhưng trên Xquang không có hình ảnh tổn thương vùng quanh cuống thì phải coi như tủy còn sống. Có thể điều trị tẩy trắng răng bằng các phương pháp hóa học nhưng kéo dài, khó khăn và kết quả không ổn định. Nếu chảy máu nhiều, làm đứt các bó mạch thì ngay lập tức có thể thấy màu đỏ dưới bề mặt men.
- Các nguyên nhân khác: Fluor, mòn răng, điều trị tủy, thức ăn, nước mắm, nước uống có màu (chè, cà phê...), thuốc lá, các loại vi khuẩn sinh màu (Bacillus pyocneus, Aspergillus, Actinomycetes...), vật liệu trám...
Làm thế nào để điều trị nhiễm màu răng?
Ngày nay có rất nhiều biện pháp để điều trị nhiễm màu răng, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể và tình trạng của răng, mức độ nhiễm màu mà lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.
- Vệ sinh răng miệng, thay đổi môi trường.
- Tẩy trắng răng, có nhiều cách khác nhau:
Tẩy trắng răng bằng các chất hóa học theo nguyên lý: các chất hóa học này giải phóng ra một chất có tác dụng ôxy hóa, phản ứng ôxy hóa khử xảy ra làm tan các chất màu.
Phục hình: được chỉ định trong những trường hợp nhiễm màu nặng như nhiễm tetracyclin độ IV, nhiễm fluor mức độ nặng... không thể điều trị bằng các biện pháp bảo tồn. Răng được phục hồi lại màu sắc có thể bằng các mặt dán sứ hoặc chụp sứ kim loại, chụp sứ toàn phần.
Đọc thêm: