(Ngày 19 tháng 9 năm 2012) - Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng mới về nha khoa ở thời cổ đại: Một xương hàm của con người 6.500 năm tuổi với một chiếc răng có vết trám bằng sáp ong, theo báo cáo được đăng trên Tạp chí truy cập mở PLoS ONE ngày 19 Tháng 9.

 

Các nhà nghiên cứu - đứng đầu là Federico Bernardini và Claudio Tuniz thuộc Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam ở Ý phối hợp với Sincrotrone Trieste và các tổ chức khác - cho rằng sáp ong đã được sử dụng vào thời điểm người cổ đại này chết, nhưng không thể xác định là ngay trước khi chết hay sau khi chết. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu là sử dụng sáp trước khi chết thì có thể nó dùng để giảm đau và giảm mức độ nhạy cảm từ một vết nứt dọc trên lớp men và ngà răng.

Theo Tuniz, mòn răng nghiêm trọng "có lẽ gây ra bởi sử dụng nó như là công cụ không phải là để ăn uống, chẳng hạn như dệt vải, thường được thực hiện bởi phụ nữ thời kỳ đồ đá mới."

Bằng chứng của thời nha khoa tiền sử là rất ít, vì vậy mẫu vật mới này, được tìm thấy ở Slovenia gần Trieste, có thể giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực hành nha khoa ở buổi sơ khai.

"Phát hiện này có lẽ là bằng chứng cổ xưa nhất của nha khoa thời tiền sử ở châu Âu và là mẫu vật được phát hiện sớm nhất cho đến ngày nay liên quan trực tiếp đến trị liệu giảm đau bằng trám răng" theo Bernardini.

Nguồn: Ancient Tooth May Provide Evidence of Early Human Dentistry - ScienceDaily