Các nhà nghiên cứu và nha sĩ ở Vương quốc Anh đang phát triển một sản phẩm mới có nguồn gốc từ một loại vi khuẩn ở biển để bảo vệ răng, lợi và răng giả khỏi các vi khuẩn sống trong môi trường miệng. Họ đang sử dụng một loại enzyme, được phân lập từ vi khuẩn Bacillus licheniformis, có khả năng phá vỡ các màng sinh học chứa các vi khuẩn có hại trong miệng.
Một nửa mẫu hàm "sạch" khi ngâm vào dung dịch có chứa enzyme được chiết xuất từ vi khuẩn Bacillus licheniformis
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy vi khuẩn này trên bề mặt của rong biển với mục đích làm sạch vỏ tàu.
Có những nơi trong miệng mà bàn chải rất khó tiếp cận được, nên vi khuẩn tích tụ tạo thành mảng bám làm mòn men răng dẫn tới sâu răng. Tiến sĩ Nicholas Jakubovics, nhà hóa sinh tại Viện đào tạo Nha khoa thuộc Trường đại học Newcastle cho biết: “Mảng bám trên răng của bạn được tạo thành từ vi khuẩn, chúng tập hợp với nhau để xâm chiếm một khu vực riêng, đánh bật các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng khác. Kem đánh răng truyền thống hoạt động bằng cách chà xát các mảng bám có chứa vi khuẩn. Nhưng chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả, đó là lý do tại sao những người có thói quen vệ sinh răng miệng rất sạch sẽ mà vẫn có thể bị sâu răng”.
Theo ông Jakubovic, trong quá trình nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy enzyme có thể phá vỡ mảng bám hoặc lớp vi khuẩn và những nhà nghiên cứu mong muốn khai thác khả năng này để làm thành phần bổ sung trong kem đánh răng, nước súc miệng thông thường và dung dịch làm sạch hàm giả.
Vi khuẩn sống ở rong biển có thể tiết ra Enzyme làm phá vỡ mãng bám răng
Khi bị đe dọa, vi khuẩn bảo vệ mình trong một lớp màng nhầy. Lớp màng nhầy này được gọi là màng sinh học, được tạo thành từ các vi khuẩn liên kết thành mạng lưới DNA ngoài tế bào giúp gắn kết vi khuẩn với nhau thành một bề mặt rắn chắc. Màng sinh học – mảng bám xung quanh răng và lợi – bảo vệ vi khuẩn khỏi sự tấn công của bàn chải đánh răng, hóa chất và thậm chí cả kháng sinh.
Trong nghiên cứu về vi khuẩn Bacillus licheniformis, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư vi sinh học biển Grant Burgess, các nhà khoa học nhận thấy rằng vi khuẩn B. licheniformis muốn xâm nhập vào mảng bám thì phải giải phóng một loại enzyme phá vỡ màng DNA bên ngoài, phá vỡ màng sinh học và giải phóng vi khuẩn từ mạng lưới vi khuẩn đó.
“Đây là một hiện tượng đáng ngạc nhiên! Enzym phá vỡ và giải phóng vi khuẩn mảng bám và quan trọng hơn, nó có tác dụng ngăn ngừa hình thành vôi răng. Bước đầu nghiên cứu tôi quan tâm đến việc làm thế nào để giữ cho vỏ tàu được sạch sẽ, nhưng chính tôi sớm nhận thấy rằng phát hiện này có thể được ứng dụng rộng rãi hơn nhiều. Nếu thêm thành phần này vào kem đánh răng, chúng ta có thể tạo nên một sản phẩm có khả năng ngăn ngừa sâu răng”.
Theo ông Burgess, đây chỉ là một trong những ứng dụng của enzyme mà các nhà nghiên cứu vừa mới khám phá ra. Nó còn có tiềm năng rất lớn, ví dụ như giữ cho những sản phẩm cấy ghép y học, những bộ phận có khả năng tạo màng sinh học như khớp háng nhân tạo hay ống nội khí quản được sạch sẽ.
Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là tiếp tục thử nghiệm và phát triển sản phẩm. Họ đang tìm cách để đưa nghiên cứu này vào ứng dụng thực tiễn.
Theo Nature News